Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu
Bạn đã nghe về Internet kết nối vạn vật hay điện toán đám mây – những công nghệ tiên tiến đang và sẽ thay đổi nhanh chóng và hoàn toàn cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất. Bạn có muốn làm chủ những công nghệ đó, bước chân vào thế giới đầy kỳ ảo của kỷ nguyên số với mạng máy tính và truyền thông dữ liệu?
Là một trong những ‘đứa con cưng’ của ‘bà mẹ’ công nghệ thông tin, ngành mạng máy tính bao gồm các lĩnh vực chuyên sâu về mạng máy tính và truyền thông, có sức ảnh hưởng rộng rãi trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Hiện nay, con người gần như không thể sống tách rời Internet, mạng xã hội, những tiện ích giải trí như âm nhạc, truyền hình trực tuyến, game online… Bởi vậy, ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu ngày càng có nhiều cơ hội để phát triển.
Một ngành học đầy thú vị
Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu là một ngành học đầy thú vị (Ảnh: Internet)
Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu là một ngành nghiên cứu những nguyên lý của mạng, phương pháp phân tích thiết kế, xây dựng, vận hành và quản trị một hệ thống mạng từ mạng nội bộ cho đến mạng diện rộng kết nối toàn cầu. Đồng thời, ngành này cung cấp cho người học những kỹ năng tiên tiến trong việc phát triển ứng dụng trên các hệ thống máy tính nối mạng từ trung đến cao cấp.
Đến với ngành học này, bạn sẽ hiểu và làm chủ được những dịch vụ mạng phổ biến như world wide web (www), thư tín điện tử, chia sẻ tập tin hay đa phương tiện (multimedia), hay những công nghệ tiên tiến mới nhất như Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, lập trình và tự động hóa mạng, các kỹ thuật đảm bảo an ninh mạng và bảo mật thông tin.
Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu là một ngành phù hợp cho những bạn thích khám phá và làm chủ công nghệ, giao tiếp với nhiều người trên khắp hành tinh mà chỉ cần thông qua chiếc máy tính hay điện thoại có kết nối mạng. Đồng thời, với những hiểu biết về mạng máy tính, các bạn có thể xây dựng được cho mình một không gian chuyên môn riêng trên Internet.
Theo học ngành này, sinh viên được trang bị kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin, kiến thức nền tảng mạng máy tính và truyền thông, IoT, cloud; kiến thức chuyên ngành theo định hướng “Mạng máy tính” như: quản trị mạng, an ninh mạng, mạng không dây, phân tích và thiết kế mạng, lập trình mạng… và định hướng “Truyền thông” như: truyền thông quang, truyền thông vô tuyến, truyền thông di động, truyền thông đa phương tiện. Ngoài ra, sinh viên được trang bị kỹ năng phân tích, mô phỏng, tích hợp và thiết kế từ các hệ thống rời rạc đến phức tạp; kỹ năng về kiểm tra, bảo trì và sữa chữa các thiết bị truyền thông và mạng máy tính; kỹ năng về lắp đặt, vận hành các thiết bị truyền thông, mạng máy tính.
Một tiết học của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Cơ hội việc làm đa dạng, rộng mở
Công việc của ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu (Ảnh: Internet)
Theo báo cáo tháng 1 năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng số nhưng nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam đang quá ít. Theo dự báo nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tăng thêm 47% mỗi năm, trong khi đó số sinh viên ngành công nghệ thông tin ra trường lại chỉ tăng 8%/năm.
Theo khảo sát một số các nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại một số công ty/tổ chức tuyển dụng hàng đầu như vietnamworks, linkedin.com, researchgate.net, cũng như của các tập đoàn mạng truyền thông lớn tại Việt Nam (VNPT, Viettel, Mobiphone, Vinaphone), nhu cầu tuyển dụng kỹ sư, cử nhân các ngành liên quan đến công nghệ thông tin và mạng máy tính, truyền thông dữ liệu là khá lớn với mức lương hấp dẫn. Theo khảo sát của Forbes trong năm 2019, nhu cầu nhân lực ngành IT tăng 56% và dự kiến sẽ thiếu hụt trầm trọng vào khoảng 90.000 nhân lực IT vào năm 2021.
Hiện nay với sự phát triển như vũ bão của mạng máy tính, không có một máy tính nào mà không có nhu cầu kết nối mạng. Do đó, cơ hội việc làm trong lĩnh vực này rất đa dạng, rộng mở.
Tốt nghiệp ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, các bạn có thể làm việc ở hầu hết các đơn vị trong và ngoài nước có sử dụng máy tính kết nối mạng với mức lương hấp dẫn ở các vị trí như:
– Làm chủ các doanh nghiệp trong lĩnh vực mạng máy tính và truyền thông dữ liệu.
– Quản trị viên mạng máy tính trong các cơ quan, doanh nghiệp.
– Kỹ thuật viên trong các cơ quan phát thanh, truyền hình, trong các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông và mạng máy tính, các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, máy tính, tự động hóa.
– Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
– Giảng viên giảng dạy chuyên ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu trong các trường đại học, cao đẳng nghề hay trung học chuyên nghiệp.
– Nghiên cứu viên trong các viện, trung tâm nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực truyền thông và mạng máy tính.
Để giải quyết việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp, Khoa Công nghệ thông tin nói riêng và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin như: Công ty Cổ phần phần mềm Nara, Công ty TNHH Công nghệ NCCSoft Việt Nam, Công ty TNHH phần mềm DTS Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ và Đào tạo Hackademics Hà Nội, Công ty TNHH Công nghệ và Đào tạo Devmind, Công ty Cổ phần giải pháp Công nghệ Simax…
Ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước đây là Trường Đại học Nông nghiệp I) được thành lập ngày 12 tháng 10 năm 1956, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ đa ngành, hàng đầu của Việt Nam. Học viện không ngừng quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, trong đó có đội ngũ giảng viên giảng dạy ngành Công nghệ Thông tin. Theo thống kê của Ban Tổ chức Cán bộ, tính đến năm 2020, Học viện có 55 giảng viên trực tiếp giảng dạy kiến thức chuyên môn cho sinh viên ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu (trong đó có 2 PGS, 17 tiến sĩ và 35 thạc sỹ), 100% giảng viên được đào tạo từ các trường đại học của các nước có nền khoa học tiên tiến trên thế giới như Pháp, Đức, Úc, Nhật Bản.
Cô Đoàn Thị Thu Hà – Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin tốt nghiệp tiến sỹ tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản
Theo học ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, sinh viên sẽ được học tập trong một ngôi trường xanh, sạch, đẹp nhất Thủ đô với diện tích gần 200ha và hệ thống cơ sở vật chất khang trang, bao gồm: hệ thống phòng học, phòng thực hành thông minh, hệ thống học liệu phong phú, đa dạng, khu liên hợp thể thao, khu ký túc xá ngày càng hiện đại…
Từ năm 2019-2022, Học viện triển khai Dự án “Tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ (Ảnh: Mô hình)
Năm 2020, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh và đào tạo ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, được phát triển từ chuyên ngành Mạng máy tính và Web (từ năm 2015) trong ngành Công nghệ thông tin đã mở từ năm 2002. Học viện hướng tới đào tạo các thế hệ cử nhân ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu theo chuẩn quốc tế và nhu cầu sử dụng thực tế tại các doanh nghiệp.
Nếu bạn yêu thích ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, có mong muốn học tập tại ngôi trường có bề dày truyền thống lịch sử này, hãy nhanh tay đăng ký vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
Mã trường |
Mã nhóm ngành |
Tổ hợp tuyển sinh |
Phương thức tuyển sinh |
HVN |
HVN14 |
A00: Toán, Vật lí, Hóa học A01: Toán, Vật lí, Tiếng Anh D01: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh |
– Tuyển thẳng – Xét học bạ – Xét tuyển kết hợp – Xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 |
Thông tin liên hệ
Điện thoại: 024 6261 7578, 0961 926 639, 0961 926 939
Website: www.vnua.edu.vn
Facebook: www.facebook.com/tuyensinhvnua.edu.vn
You may also like
Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo
Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo đang là một trong những ngành nghề “hot” nhất không những ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đã và sẽ là những lĩnh vực chi phối đời sống, việc …
Kinh tế số
(Nguồn: www.lifeofpix.com) Kinh tế số là xu hướng tất yếu trong thời kỳ bùng nổ của cuộc Cách mạng 4.0. Ứng dụng nền tảng kỹ thuật số để phát triển kinh tế bắt kịp với xu hướng thời đại ngày càng cấp thiết ở mọi cấp độ từ cá nhân, …
Công nghệ sinh dược
Công nghệ sinh dược là gì? Công nghệ sinh học dược (công nghệ sinh dược) là một ngành mới, kế thừa và phát triển những thành tựu của công nghệ sinh học trong việc sản xuất thuốc và các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khoẻ và làm …